Chính sách visa của Thái Lan không xem trọng người Việt

Từ ngày 12/8, người Việt Nam nhập cảnh vào Thái Lan nếu không vì mục đích du lịch thì buộc phải xin thị thực (visa). Nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng quy định này không có tính nhân văn.

gd_151113_kinh-nghiem-du-lich-thai-lan
Hạ sách

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt, tỏ ra bất ngờ khi Thái Lan bắt đầu siết người Việt nhập cảnh vào đất nước này bằng thị thực kể từ ngày 12/8.

“Cách dùng visa để ngăn chặn người nước ngoài, trong đó có người Việt Nam, vào Thái Lan để lao động bất hợp pháp là hạ sách. Mặc dù phía Thái cam kết không ảnh hưởng đến khách du lịch thuần túy, nhưng tôi cho rằng quy định máy móc này đánh động tới lòng tự trọng của người Việt và có thể lượng du khách Việt đến Thái sẽ sụt giảm mạnh trong thời gian tới”, ông Mỹ phát biểu.

Theo ông Mỹ, lợi dụng chính sách miễn thị thực chung cho công dân ASEAN, người Việt nhập cảnh vào Thái Lan rồi ở lại làm việc ở nước này trên thực tế là có. Tuy nhiên, Thái Lan có quyền kiểm soát chặt chẽ vấn đề trên bằng việc từ chối cho những đối tượng khả nghi này nhập cảnh, chứ không thể phá vỡ quan hệ đối xứng hai chiều từ nhiều năm nay (hai bên cùng miễn visa cho công dân của hai nước).

Du khách Việt trong một hoạt động du lịch tại Thái Lan.
“Ở khu vực ASEAN, Thái Lan chỉ áp dụng visa cho công dân của Việt Nam và Campuchia. Như vậy là phân biệt đối xử, xúc phạm đến những du khách bình thường khác, vi phạm hiệp ước miễn thị thực trong ASEAN. Bộ Ngoại giao, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cần có chính kiến liên quan đến chuyện này. Nếu không chúng tôi sẽ kêu gọi du khách tẩy chay tour Thái”, ông Mỹ nhấn mạnh.

Xem xiếc voi ở Thái Lan.
Ông Trần Vĩnh Lộc, Giám đốc Công ty du lịch Lạc Hồng Voyages, cho rằng quy định khách du lịch được miễn visa còn khách đi với các mục đích khác thì phải xin visa vào Thái Lan là nhập nhằng. Trong trường hợp này, cán bộ xuất nhập cảnh ở Thái Lan có thể làm khó những du khách Việt Nam đi lẻ, đi tự túc và hoàn toàn phụ thuộc vào suy nghĩ chủ quan của cán bộ xuất nhập cảnh về việc khách đi du lịch hay đi làm ăn.

“Năm 2015 bắt đầu thực thi cộng đồng chung ASEAN, riêng trong lĩnh vực du lịch lao động của nước này có thể làm việc tự do ở một nước khác. Vì thế, việc Thái Lan đưa ra chính sách mới nhằm ngăn chặn lao động Việt Nam vào Thái là một hàng rào kỹ thuật để hạn chế người Việt qua Thái làm việc trong thời gian tới. Vậy thì, Việt Nam cũng có thể dựng lên hàng rào kỹ thuật tương tự đối với công dân Thái Lan”, ông Lộc nói.

Năm 2015, Tổng cục kỳ vọng thu hút 500.000 du khách đến từ Việt Nam, là một trong những thị trường khách lớn của nước này. Việt Nam cũng là nước mà Tổng cục Du lịch Thái đặt văn phòng đại diện để thu hút khách Việt. Nhiều công ty du lịch Việt Nam có tour Thái Lan khởi hành hàng ngày. Tuy nhiên, cơ quan xuất nhập cảnh Thái Lan lại không mấy coi trọng khách Việt khi mới đây, họ cũng có một biện pháp kiểm soát du khách gây phẫn nộ ở cửa khẩu: bắt khách Việt cầm tiền đưa lên ngang mặt để chụp hình rồi mới cho nhập cảnh.

Ông Lộc chỉ ra rằng, Thái Lan ứng xử không phù hợp với tình hình chung. Trong ASEAN, Malaysia và Singapore ứng xử văn minh và nhân văn hơn rất nhiều. Công dân Việt Nam vào hai nước này nếu không được chấp nhận thì bị ngăn lại ở cửa khẩu và trục xuất mà không phải là biện pháp visa phức tạp đi vì mục đích du lịch hay không du lịch.

“Tôi nhớ trước đây Hà Lan kiểm soát công dân Indonesia nhập cảnh vào Hà Lan bằng cách cởi giày chụp hình. Ngay lập tức, Indonesia cũng áp dụng biện pháp tương tự đối với công dân Hà Lan. Giữa Mỹ và Mexico cũng xảy ra trường hợp giống vậy. Đó là quan hệ song phương, có qua có lại. Cho nên, Bộ Ngoại giao Việt Nam cần lên tiếng để Thái Lan giải thích rõ hơn vấn đề visa”, ông Lộc nói thêm.

Gây tổn thương du khách

TS Phạm Trương Lương, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, nhận định có thể khi ban hành quy định áp dụng visa cho một bộ phận người Việt Nam, phía Thái Lan đã nghiên cứu kỹ các cam kết đi lại tự do trong khu vực ASEAN để tránh vi phạm.

Tuy nhiên, dù gì đi nữa thì chính sách đó sẽ gây khó cho chính Thái Lan bởi ASEAN đang tiến tới mô hình sử dụng 1 visa chung cho khối. Nghĩa là các nước Asean chỉ dùng chung 1 visa. Ngoài ra, từ nhiều năm nay, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế TPHCM đều có các cuộc gặp cấp cao bàn về 3 quốc gia 1 điểm đến (Việt Nam – Campuchia – Lào) rồi sau đó mở rộng cho Thái Lan, Myanmar.

Đề xuất mới nhất là 5 quốc gia 1 điểm đến cũng nói tới việc gia tăng hợp tác du lịch giữa các nước, trong đó có việc khách quốc tế ngoài 5 nước vào các quốc gia này chỉ sử dụng 1 visa. Hơn nữa còn có cộng đồng chung ASEAN, nên theo ông Lương, có thể chính sách visa của Thái Lan đang áp dụng cho người Việt chỉ là tạm thời.

Được biết, Thái Lan đã áp dụng trở lại việc xin visa cho một số đối tượng công dân của các nước mà họ đã miễn thị thực, cụ thể với những người không đến Thái Lan với mục đích du lịch. Ở khu vực ASEAN, Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia mà Thái Lan quyết định áp dụng trở lại quy định xin visa này.

Sáng 13/8, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho hay Vụ Lữ hành đang kiểm tra thông tin về việc Thái Lan áp dụng visa cho một số đối tượng người Việt nhập cảnh vào nước này, trên cơ sở đó sẽ phân tích cụ thể từng vấn đề và có công văn gửi các cơ quan liên quan.

“Thực tế là có người Việt lợi dụng du lịch để lao động bất hợp pháp ở Thái Lan, chúng tôi phản đối tình trạng này. Tuy nhiên Thái Lan cần thực hiện các biện pháp kiểm soát theo thông lệ quốc tế về việc đi lại tự do giữa hai nước. Các biện pháp mà Thái Lan đưa ra hiện nay gây tổn thương cho du khách Việt Nam và phương hại đến quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia”, ông Tuấn phát biểu.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *